Nhà thầu phụ là gì? Để tìm hiểu chi tiết về nhà thầu phụ cũng như nhiều thông tin hữu ích khác, hãy cùng Xây Dựng An Thiên Phát tham khảo ngay bài viết sau đây.
Nhà thầu phụ là thuật ngữ thường dùng trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, chưa chắc rằng ai cũng hiểu rõ nhà thầu phụ là gì và những vai trò, nguyên tắc cũng như các quyền và nghĩa vụ có liên quan.
Nếu bạn cũng đang quan tâm và muốn tìm hiểu chi tiết hơn, hãy cùng Xây Dựng An Thiên Phát tham khảo ngay nội dung được chia sẻ sau đây nhé.
Nhà thầu phụ là gì?
Nhà thầu phụ là thuật ngữ dùng để chỉ những nhà thầu được tham gia trong quá trình xây dựng ở một số hạng mục nhất định thông qua bản hợp đồng được ký với nhà thầu chính dù không trực tiếp tham gia đấu thầu trước đó.
Theo khoản 36 Điều 4 của Luật Đấu thầu 2013, nhà thầu phụ được định nghĩa cụ thể như sau:
“Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính. Nhà thầu phụ đặc biệt là nhà thầu phụ thực hiện công việc quan trọng của gói thầu do nhà thầu chính đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trên cơ sở yêu cầu ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.”
Nguyên tắc về nhà thầu phụ
Một số nguyên tắc có liên quan đến nhà thầu phụ như sau:
- Nhà thầu chính được quyền ký kết hợp đồng hợp tác với một số nhà thầu phụ đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện một số hạng mục cụ thể được nêu rõ trong hồ sơ dự thầu, mọi trách nhiệm có liên quan đều do nhà thầu chính giám sát cũng như chịu trách nhiệm, chỉ có sự thay thế nếu có sự chấp nhận từ chủ đầu tư;
- Giá trị phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện (được quy định chi tiết tại Khoản 1 Điều 4 của Luật Đấu thầu 2013) không được vượt quá tỷ lệ phần trăm theo giá trị hợp đồng ký kết và có nêu cụ thể;
- Nhà thầu chính không có quyền sử dụng nhà thầu phụ thực hiện những công việc không được nêu rõ trong hồ sơ dự thầu.
Quy định về hợp đồng thầu phụ
Hợp đồng thầu phụ là một trong những biên bản pháp lý được ký kết giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ. Cụ thể:
- Nội dung hợp đồng thầu phụ sẽ thể hiện rõ về những thỏa thuận có liên quan đến gói thầu mà nhà thầu chính nhận được;
- Đây là cơ sở để xác định tỷ lệ và phạm vi công việc mà nhà thầu phụ tham gia thực hiện, xác định rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà thầu phụ đối với nhà thầu chính trong quá trình triển khai gói thầu;
- Đây còn là căn cứ xác định mối quan hệ giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ nên cần có sự thống nhất với hợp đồng ban đầu được ký kết giữa nhà thầu chính và chủ đầu tư.
Tỷ lệ phần trăm công việc nhà thầu phụ là bao nhiêu?
Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản pháp lý cụ thể có quy định rõ về tỷ lệ phần trăm tối đa các hạng mục xây dựng mà nhà thầu phụ được phép thực hiện trong một công trình.
Tuy nhiên, nhà thầu chính trúng thầu của công trình sẽ không được quyền giao toàn bộ 100% công việc cho nhà thầu phụ thực hiện mà cần có tỷ lệ nhất định dựa trên các quy định của nhà thầu phụ được thể hiện rõ trên hồ sơ mời thầu và thỏa thuận chi tiết của đôi bên.
Ngoài ra, toàn bộ những trách nhiệm có liên quan đều do nhà thầu chính chịu trách nhiệm hoàn toàn nên cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định lựa chọn nhà thầu phụ.
Một số tiêu chuẩn lựa chọn nhà thầu phụ
Để lựa chọn được nhà thầu phụ phù hợp cần đáp ứng những tiêu chuẩn sau:
- Địa điểm hoạt động;
- Năng lực cung cấp trang thiết bị phục vụ quá trình thi công hạng mục được yêu cầu;
- Năng lực, kỹ thuật và kinh nghiệm của nhân công;
- Khả năng tài chính của nhà thầu phụ;
- Kết quả đánh giá nghiệm thu của các công trình trước đó do nhà thầu phụ thực hiện;
- Uy tín của nhà thầu phụ trong lĩnh vực hoạt động.
Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu phụ
Về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà thầu phụ được đề cập chi tiết tại Điều 47 Nghị định 37/2015/NĐ-CP như sau:
“1. Một hợp đồng thầu chính có thể có nhiều hợp đồng thầu phụ. Khi ký hợp đồng thầu phụ, tổng thầu, nhà thầu chính hoặc nhà thầu nước ngoài phải thực hiện theo các quy định sau:
a) Chỉ được ký kết hợp đồng thầu phụ đúng với năng lực hành nghề, năng lực hoạt động của nhà thầu phụ.
b) Nhà thầu nước ngoài khi thực hiện hợp đồng xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam với vai trò là nhà thầu chính phải sử dụng nhà thầu phụ trong nước đáp ứng được các yêu cầu của gói thầu và chỉ được ký hợp đồng thầu phụ với các nhà thầu phụ nước ngoài khi các nhà thầu phụ trong nước không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu. Đối với các vật tư, thiết bị tạm nhập tái xuất phải được quy định cụ thể trong hợp đồng theo nguyên tắc ưu tiên sử dụng các vật tư, thiết bị trong nước đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.
c) Đối với các nhà thầu phụ không có trong danh sách thầu phụ kèm theo hợp đồng thì phải được chủ đầu tư chấp thuận.
d) Tổng thầu, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, sai sót của mình và các công việc do các nhà thầu phụ thực hiện.
đ) Tổng thầu, nhà thầu chính không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện.
2. Nhà thầu phụ do chủ đầu tư chỉ định (nếu có)
a) Nhà thầu phụ do chủ đầu tư chỉ định là nhà thầu phụ được chủ đầu tư chỉ định cho nhà thầu chính hoặc tổng thầu thuê làm nhà thầu phụ để thực hiện một số phần việc chuyên ngành có yêu cầu kỹ thuật cao hoặc khi thầu chính, tổng thầu không đáp ứng được yêu cầu về an toàn, chất lượng và tiến độ thực hiện hợp đồng sau khi chủ đầu tư đã yêu cầu.
b) Đối với các hợp đồng xây dựng áp dụng nhà thầu phụ do chủ đầu tư chỉ định, thì các bên hợp đồng phải thỏa thuận cụ thể về các tình huống chủ đầu tư được chỉ định nhà thầu phụ.
c) Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có quyền từ chối nhà thầu phụ do chủ đầu tư chỉ định nếu công việc nhà thầu chính hoặc tổng thầu, thầu phụ đang thực hiện vẫn tuân thủ đúng các thỏa thuận trong hợp đồng hoặc có đầy đủ cơ sở cho rằng nhà thầu phụ do chủ đầu tư chỉ định không đáp ứng được các yêu cầu theo hợp đồng.
3. Chủ đầu tư thanh toán trực tiếp cho nhà thầu phụ trên cơ sở đề xuất thanh toán của nhà thầu chính hoặc tổng thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
4. Nhà thầu phụ có tất cả các quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật khác có liên quan.”
Tham khảo thêm:
- Biện Pháp Thi Công Móng Băng An Toàn, Đúng Kỹ Thuật
- Cốt Đai Có Tác Dụng Gì? Cấu Tạo & Cách Sử Dụng
- Độ Chối Khi Ép Cọc - Công Thức & Lưu Ý Khi Ép Cọc
Với những thông tin vừa chia sẻ chi tiết trong bài viết trên, hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nhà thầu phụ là gì cũng như những điều hữu ích có liên quan khác. Hãy theo dõi Xây Dựng An Thiên Phát để cập nhật thêm nhiều nội dung hay liên quan đến lĩnh vực xây dựng bạn nhé.